“NGƯỜI MẸ CẦM SÚNG”- MỘT BẢN HÙNG CA VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG THỜI CHIẾN

Truyện ký "Người mẹ cầm súng" là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi, được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2013. Tác phẩm đã được Hội đồng văn học nghệ thuật của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng giải chính thức giải thưởng văn học, nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu.

Mỗi chúng ta ai cũng có một người Mẹ. Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau để sinh ra ta và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính vì vậy, dù đi đâu, làm gì, hay ở bất kỳ phương trời nào, trái tim ta luôn hướng về mẹ và mẹ là nơi ta tìm về để được ôm ấp, vỗ về và trú ngụ trong vòng tay ấm áp đầy yêu thương ấy. Trong thời chiến cũng vậy, bên cạnh việc chăm lo cho những đứa con của mình, rất nhiều người bà, người mẹ, người chị đã kiên cường dũng cảm trực tiếp tham gia chiến đấu, góp sức mình vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đất nước ta luôn ghi nhớ công lao của những người phụ nữ đó và gọi họ bằng tiếng MẸ thiêng liêng. Hôm nay tôi muốn giới thiệu với các bạn một cuốn sách hay kể về một người mẹ anh hùng. Đó là chị Út Tịch – một nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Cuộc đời bà đã được nhà văn Nguyễn Thi xây dựng thành nhân vật chính trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng", được đưa vào các giáo trình văn học phổ thông rất quen thuộc với học sinh chúng ta. Đặc biệt, tác phẩm này cũng đã được đạo diễn Trần Khánh Dư chuyển thể thành bộ phim "Mẹ vắng nhà" và được công chúng nhiệt tình đón nhận.

Bìa cuốn sách « NGƯỜI MẸ CẦM SÚNG » - Tác giả Nguyễn Thi

Truyện ký "Người mẹ cầm súng" là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi, được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2013. Tác phẩm đã được Hội đồng văn học nghệ thuật của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng giải chính thức giải thưởng văn học, nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 – 1965). Với khổ sách 12.5x19cm, họa sỹ thiết kế bìa cuốn sách đã giúp độc giả liên tưởng đến cuộc sống của người dân Nam bộ qua hình ảnh chiếc khăn rằn quen thuộc mà các bà má miền Nam hay dùng trên nền vàng chanh nhẹ nhàng.

Qua 119 trang sách và lối hành văn giản dị, mộc mạc, nhà văn đã giúp chúng ta thấy được một hình tượng đẹp về người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước: đó là chị Nguyễn Thị Út hay còn gọi là Út Tịch.

Cuốn sách gồm có 2 phần: truyện kí về cuộc đời chị Út Tịch và truyện ngắn "Mẹ vắng nhà" kể về những đứa con của chị. Dù ở phần nào, màu sắc đặc trưng Nam Bộ cũng bao trùm từ chương đầu tiên đến tận những chương cuối của cuốn sách. Từ phong cảnh thôn ấp, đến phương ngữ Nam Bộ bình dị đều khéo léo đưa độc giả trở về bối cảnh chiến tranh tại miền Nam những năm 65.

Nếu có ai hỏi tôi “Đối với bạn, tác phẩm nào về người phụ nữ là hay nhất mà bạn đã từng đọc?” Có lẽ tôi sẽ chọn “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi – Một cuốn sách nhỏ bé nhưng đầy sức nặng về một người phụ nữ anh hùng, một người mẹ đảm đang, xốc vác, một tấm gương hào nữ sáng ngời của đất phương Nam.

“Người mẹ cầm súng” kể về cuộc đời và sự nghiệp chiến đấu của chị Út Tịch – nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ (1954-1975). Từ thuở nhỏ, chị đã có một “tuổi thơ dữ dội”: từng đi ở đợ nhà giàu, năm 12 tuổi đánh lại địa chủ vì không chịu nổi đối xử bất công. 14 tuổi xin gia nhập quân Giải Phóng để được cùng đánh Tây. Lớn lên chị lấy anh bộ đội Tịch, cùng thề rằng “Hễ theo giặc là thôi nhau luôn”. Vợ chồng anh chị đã có với nhau chín mặt con, tất cả đều sinh ra trong những năm tháng chiến đấu gian khổ. Tuy là người mẹ đông con như vậy, một tay chị vẫn gánh vác cả việc quân lẫn việc nhà. Cứ sau mỗi lần sinh con được vài ngày, chị lại cầm súng ra mặt trận chiến đấu. Chị khéo léo dạy dỗ đứa con cả biết chăm lo bảo vệ cho các em, đảm đương việc nhà giúp mẹ yên tâm chiến đấu. Trên chiến trường, chị là dũng tướng khiến quân thù phải khiếp sợ...

Đọc “Người mẹ cầm súng”, tôi thực sự thán phục nữ anh hùng Út Tịch. Phép màu nào đã giúp chị vừa đảm việc nước, lại giỏi việc nhà như vậy? Làm mẹ giữa thời chiến không hề dễ, chiến đấu với cái bụng bầu là việc nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con, huống chi là mẹ của một đàn con nhỏ sàn sàn tuổi nhau. Tôi tự hỏi: Chiến tranh ác liệt như vậy, chị nuôi con ra sao, chị có dành nhiều thời gian cho các con không, và nhất là lúc chị vắng nhà, các con chị lo liệu ra sao? Chị Út Tịch hiểu rõ tình cảnh mẹ con như vậy, nên chị khéo léo sắp xếp dạy dỗ con cái tự làm lấy những việc nhẹ: dặn con nấu cơm không được chắt nước sợ nó bị bỏng, nếu cần thiết thì sang nhà hàng xóm ăn cơm. Chị và gia đình sống nhân hậu thân ái nên bà con chòm xóm đều sẵn lòng giúp đỡ nữ chiến sĩ hết lòng vì nước vì dân đó. Không chỉ vậy, có những lần chị tranh thủ về nhà thăm con, người phụ nữ đảm đang ấy lại tranh thủ sửa lại mái nhà dột, bện lại dây võng. Con Bé, đứa con đầu của chị, học được từ mẹ nó rất nhiều, và sau này cũng nối bước mẹ trở thành người lính can trường, bản lĩnh, hoàn thành giấc mơ thống nhất đất nước của người mẹ quá cố...

Một tác phẩm ra đời vào thời chiến, viết về một người sinh ra, lớn lên trong thời chiến, và khép lại vẫn là cảnh chiến trận đó. Tưởng rằng xuyên suốt tác phẩm chỉ nhuốm màu bi thương, chết chóc nhưng không, giữa đau khổ chúng ta vẫn nhận thấy niềm tin, giữa chiến tranh họ vẫn mơ về hòa bình, họ cùng chiến đấu, cùng trưởng thành hơn, để người đọc hiểu rằng: giữa những khốc liệt của chiến tranh đầy đạn bom vẫn thấp thoáng những tia sáng của niềm hy vọng không thể dập tắt. Đây chính là nguồn động viên tinh thần con người rất lớn lao trong cả thời chiến cũng như trong thời bình.

 


1. NGUYỄN THI
    Người mẹ cầm súng/ Nguyễn Thi.- H.: Kim Đồng, 2013.- 91tr.; 21cm.
     Sách Nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường trung học cơ sở miền núi - vùng sâu - vùng xa
     Chỉ số phân loại: 895.92283403 NT.NM 2013
     Số ĐKCB: TN.00039, TN.00004,

2. NGUYỄN THI
    Người mẹ cầm súng/ Nguyễn Thi.- H.: Kim Đồng, 2013.- 91tr.; 21cm.
     Sách Nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường trung học cơ sở miền núi - vùng sâu - vùng xa
     Chỉ số phân loại: 895.92283403 NT.NM 2013
     Số ĐKCB: TN.00039, TN.00004,

Các bạn hãy tìm đọc tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi tại Thư viện nhà trường, chúng ta sẽ cảm nhận được ý nghĩa câu nói đậm chất Nam Bộ: "Còn cái lai quần cũng đánh!" của Chị Út Tịch. Câu nói đó thể hiện một sự quyết tâm, kiên cường và bất khuất của của một người mẹ anh hùng, một người phụ nữ yêu nước cũng như của người dân Nam Bộ; chỉ có đánh mới có hòa bình, tự do cho con cháu và đồng bào mình. "Người mẹ cầm súng" ấy là một biểu tượng của phụ nữ Nam Bộ kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ, xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ đã trao tặng: "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang".